LƯỢC SỬ TỔ ĐÌNH SẮC TỨ HƯNG KHÁNH TỰ

Chủ nhật - 24/01/2021 07:54
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
            TỔ ĐÌNH HƯNG KHÁNH tại thôn Hưng Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định còn gọi là chùa SẮC TỨ HƯNG KHÁNH TỰ, được Vua ban ngày mồng 01 tháng 04 năm Nhâm Ngọ, năm Bảo Đại thứ 17, ngày 15. 5. 1942 do Lễ Bộ Thượng Thư Tôn Thất Quảng tấu trình.
            Chưa biết Chùa thành lập khi nào, nhưng theo Phổ Hệ Truyền Thừa bắt đầu thời Tổ Quảng Giác, Ngài được thân hào nhân sĩ cung thỉnh từ Tổ Đình Phổ Bảo về trụ trì vào ngày 10 tháng 10 âm lịch năm Tân Hợi (1851) niên hiệu Tự Đức thứ 4. Thế nhưng, Chùa vẫn còn giữ một đôi liễn do bổn đạo Lê Thị Phụng và con trai là Đặng Như Tường cúng vào năm Quý Sửu 1793.
LƯỢC SỬ TỔ ĐÌNH SẮC TỨ HƯNG KHÁNH TỰ

 
CẢNH CHIẾM BỒNG DOANH THIÊN BẤT LÃO
VŨ KHAI CẨM TÚ ĐỊA VÔ TRẦN
Tạm dịch
Cảnh ư lộng lẫy trời xanh mãi
Điện hóa lung linh đất sáng hoài
            Có thể, Chùa được thành lập trước năm 1793, năm Vua Cảnh Thịnh từ Phú Xuân vào giải vây và chiếm đất Qui Nhơn, năm ấy Vua Thái Đức băng hà kết thúc sự hiện hữu của ba anh em Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.  

            Tổ Quảng Giác (1799-1868) đệ tử Tổ Toàn Ý - Tổ Đình Phổ Bảo là người đặt tên Chùa Hưng Khánh. Tổ xem như vị Khai Sơn, không những xây dựng ngôi Già Lam nghiêm tịnh, mà còn tiếp tăng độ chúng suốt 18 năm dài trước khi thị tịch. Đệ tử Tổ gồm có: Tổ Ấn Tổ - Chùa Hưng Khánh, Tổ Ấn Ký - Chùa Thanh Quang, Tổ Ấn Phương - Chùa Quang Phước. Tổ viên tịch ngày mồng 6 tháng 2 năm Mậu Thìn (1868) - Kỵ Tổ ngày mồng 5 tháng 2 âm lịch hằng năm

            Tổ Ấn Tổ (1841-1900) hiệu Phước Minh thừa kế trách nhiệm trụ trì khoảng 33 năm. Đạo phong và đức hạnh của Tổ ảnh hưởng rất lớn trong sơn môn, Tổ có nhiều đệ tử xuất gia thành danh, nhận Phật sự khai sơn và trụ trì nhiều chùa tại địa phương như: Tổ Chơn Hương - Chùa Hưng Khánh, Tổ Chơn Long - Chùa Phú Thọ, Tổ Chơn Ngộ - Chùa Bình Quang, Tổ Chơn Diệp - Chùa Thiên Trúc, Tổ Chơn Tường - Chùa Thiên Trúc, Tổ Chí Mẫn - Chùa Nhạn Sơn, Tổ Chơn Chất - Chùa Khánh Lâm, Tổ Chơn Đạo - Chùa Tây Thiên, Chùa Vĩnh Khánh, Chùa Hương Quang, Tổ Chơn Trí - Chùa Thanh Quang, Tổ Chơn Định - Chùa Phong Quang, Chùa Sơn Long, Tổ Chơn Nguyên - Chùa Diêu Phong. Tổ viên tịch ngày mồng 6 tháng 9 năm Canh Tý (1900) - Kỵ Tổ ngày mồng 5 tháng 9 âm lịch hằng năm

            Tổ Chơn Hương (1860 - 1948) hiệu Chí Bảo vốn sinh ra, lớn lên và xuất gia tại làng Hưng Nghĩa được tông môn cung thỉnh trụ trì Tổ Đình Hưng Khánh sau khi Tổ Ấn Tổ viên tịch. Tổ Chơn Hương là bậc Phật pháp đống lương, thiền lâm thạch trụ trong bổn tỉnh.
            Năm 1931, Tổ được sơn môn cung thỉnh ngôi vị Chứng Minh Giới Đàn Chùa Phước Sơn - Bồng Sơn. Năm 1937 và năm 1942 Đại Giới Đàn được tổ chức hai lần tại Chùa Hưng Khánh, Tổ được cung thỉnh Hòa Thượng Đàn Đầu truyền giới. Cả hai giới đàn đó giới tử đắc giới Tỳ Kheo như Ngài Bảo An, Ngài Huyền Quang, Ngài Tâm Hoàn, Ngài Kế Châu, Ngài Tâm Hướng ... giới tử đắc giới Sa Di như: Ngài Đồng Thiện, Ngài Đồng Huy
            Đệ tử Tổ Chơn Hương gồm có: Tổ Như Hòa - Chùa Hưng Khánh, Tổ Như Huệ - Chùa Khánh Sơn, Tổ Như Thọ - Chùa Long Phước, Tổ Như Chấp - Chùa Long Tường, Tổ Như Lợi - Chùa Huỳnh Long, Tổ Như Kính - Chùa Khánh Lâm, Tổ Như Pháp - Chùa Quang Phước, Tổ Như Phú, Tổ Như Ký - Chùa Hưng Khánh. Tổ viên tịch ngày mồng 12 tháng 8 năm Mậu Tý (1948) - Kỵ Tổ ngày mồng 11 tháng 8 âm lịch hằng năm

            Tổ Như Hòa (1907 -1963) hiệu Tâm Ấn cũng là người làng Hưng Nghĩa. Sau khi thọ Đại giới, Tổ Như Hòa nhận trách nhiệm trụ trì Tổ Đình Phổ Bảo. Năm 1948, Tổ được cung thỉnh trụ trì Tổ Đình Hưng Khánh.
            Là một bậc đa văn quảng bác, giỏi chữ Hán, biết tiếng Tây, rành nghề thuốc, thông địa lý, Tổ không ngại dấn thân vào mọi Phật sự ứng phó đạo tràng, giảng dạy Phật Pháp và kiến lập Phật Đường mọi nơi.
            Bước chân của Tổ vân du từ Quy Nhơn vào tận đồng bằng sông Cửu xa xôi. Hình bóng của Tổ in dấu trên những Tổ Đình như: Phổ Bảo, Hưng Khánh, Khánh Lâm .... các chùa như: Huỳnh Long, Long Phước, Vân Sơn, Diêu Phong, Phước Điền, Khánh Sơn. Tổ khai sáng các chùa như Linh Sơn, Tòng Lâm, Nam Thạnh, Pháp Hải, Hải Minh, Hải Phong, Nhơn Hòa, Giác Hải, Viên Giác (tỉnh Vĩnh Long).
            Đệ tử của Tổ gồm có Ngài Bảo An, Ngài Bảo Tịnh - Chùa Giác Hoàng, Ngài Bảo Liên - Chùa Huỳnh Long, Ngài Bảo Châu - Chùa Linh Sơn. Ngài Bảo Thượng - Chùa Phước Điền. Tổ viên tịch ngày mồng 5 tháng giêng  năm Quý Mão (1963) - Kỵ Tổ ngày mồng bốn tháng giêng âm lịch hằng năm.

            Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Bảo An (1914 - 2011) kế thừa Phật sự trụ trì hai ngôi Tổ Đình Phổ Bảo và Hưng Khánh. Thiếu thời, Ngài được hầu cận chăm sóc Tổ Chí Bảo, lãnh hội chân truyền ý Tổ về sự phát tâm Bồ Đề, hành hạnh xuất gia. Ngài từng được bổn sư cho theo Hòa Thượng Trí Độ ra chùa Bảo Quốc - Huế tham dự chương trình Phật Học cùng với những Pháp hữu như: Ngài Giác Tánh, Ngài Kế Châu, Ngài Tâm Hoàn, Ngài Giác Đạo, nhưng việc học của Ngài chưa viên mãn.
            Năm 1948, Tổ Chí Bảo viên tịch, Hòa Thượng về lại quê nhà thay cho Bổn Sư trách nhiệm trụ trì Tổ Đình Phổ Bảo. Cả cuộc đời Ngài dành hết cho Phật sự của hai ngôi Tổ Đình, của Giáo Hội tỉnh nhà. Ngài từng là thành viên Ban Sáng Lập Tu Viện Nguyên Thiều.
            Năm 1964, đem học tăng Tu Viện Nguyên Thiều vào Nam lánh nạn, Hòa Thượng được Hội Phật Tử cúng Niệm Phật Đường ấp Tây Ba - Phú Nhuận - Gia Định, sau nầy thành Chùa Giác Uyển - Sài Gòn, làm nơi Chư Tăng an trú tu học.
            Đạo phong của Hòa Thượng rất hài hòa, trang nghiêm và dung dị. Ngài tinh cần niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ. Dù tuổi hạt rất cao nhưng thân thể Ngài khỏe mạnh, tinh thần rất minh mẫn cho đến ngày cuối đời.
            Những ngày cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, Hòa Thượng phát nguyện sang đất Phật, hành hương chiêm bái lễ bốn Thánh Tích Phật Giáo. Năm 2003, nhận lời cung thỉnh của Phương Trượng Thích Như Điển - Chùa Viên Giác Hannover, Ngài sang Âu Châu thăm chư tôn đức Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam đang định cư tại nước Cộng Hòa Liên Bang Đức.
            Năm 98 tuổi, Hòa Thượng chọn ngày 22 tháng giêng thị tịch Niết Bàn, nhằm ngày viên tịch của Tổ Thiệt Đăng - Tổ Đình Sơn LongQuốc Sư Phước Huệ - Tổ Đình Thập Tháp khiến cho Hòa Thượng Thích Huệ Minh - Chùa Giác Uyển bừng ngộ, nghẹn ngào rằng “Con ơi! Sư ông đi theo Tổ”.
            Đệ tử của Hòa Thượng gồm có: Hòa Thượng Thích Thiện Tấn (1950 - 1997),  Hòa Thượng Thích Thiện Thông - Chùa Vân Sơn, Hòa Thượng Thích Đồng Chơn - Tổ Đình Phổ Bảo, Thượng Tọa Thích Đồng Văn - Chùa Phổ Bảo - Liên Bang Đức, Đại Đức Thích Đồng Luận - Chùa Quan Âm, Đại Đức Thích Thiện Kiên - Chùa Phổ Quang - Liên Bang Đức, Thầy Thích Đồng Bổn - Chùa Khánh Lâm.
            Đệ Tử cầu Pháp của Hòa Thượng là: Hòa Thượng Thích Huệ Minh - Chùa Giác Uyển, Hòa Thượng Thích Nguyên Khiết, Chùa Thắng Quang, Hòa Thượng Thích Nguyên Huệ - Chùa Bích Nam, Hòa Thượng Thích Như Nguyện - Sài Gòn, Thượng Tọa Thích Đồng Đức - Tổ Đình Sơn Long ....
            Hòa Thượng viên tịch ngày 22 tháng giêng năm Tân Mão (2011) - Kỵ Giỗ ngày 22 tháng giêng âm lịch hằng năm

            Thượng Tọa Thích Thiện Tấn (1944 - 1997) hiệu Huệ Hải, pháp danh Đồng Thuyên nhận trách nhiệm trụ trì Tổ Đình Hưng Khánh sau ngày đất nước hòa bình. Ngài từng là học tăng lưu trú Tu Viện Nguyên Thiều và Chùa Long Khánh Quy Nhơn. Thời học trung học, Ngài được bổn sư cho phép vào Sài Gòn tham học. Ngài từng ở Chùa Giác Uyển - Quận Phú Nhuận, Chùa Vạn Thọ - Quận Nhất, Niệm Phật Đường Trúc Lâm - Quận Phú Nhuận và Đà Lạt. Ngài theo học cả hai chương trình Nội Điển và Ngoại Điển, thọ Đại Giới năm 1968 tại Đại Giới Đàn Chùa Long Khánh Quy Nhơn, tốt nghiệp Tú Tài toàn phần năm 1968 và Cử Nhân Đại Học Đà Lạt năm 1973. Về tỉnh nhà, Ngài được mời làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Nghĩa Thục Nguyên Thiều trước ngày thống nhất đất nước. 
            Trong mọi Phật sự, Ngài quên mình để làm việc đền ân Tam Bảo trong khi sức khỏe Ngài có hạn nên Ngài đã vĩnh viễn chia tay Bổn Sư và Chư Tăng Phật tử khi tuổi đời chưa đến 60, để lại Phật sự “trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng” cho Thượng Tọa Thích Vạn Hành, người đệ tử duy nhất của Ngài. Thượng Tọa viên tịch ngày mồng 03 tháng 11 năm Đinh Sửu (1997).  Kỵ giỗ ngày mồng 03 tháng 11 âm lịch hằng năm

            Thượng Tọa Thích Vạn Hành (1966 - 2012) hiệu Khánh Phước, tự Giác Thọ kế thừa Phật sự của Bổn Sư để lại. Thượng Tọa tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học năm 1984, thọ giới Sa Di năm 1986 tại Chùa Thiên Bình, thọ giới Tỳ Kheo năm 1989 tại Đại Giới Đàn Nguyên Thiều tổ chức ở Chùa Long Khánh Quy Nhơn. Từ năm 1990 - 1997 Thượng Tọa lưu trú và làm việc tại Tu Viện Huệ Quang - Sài Gòn, tham gia biên soạn Phật Quang Đại Từ Điển.
            Năm 1997 Thượng Tọa nhận trách nhiệm trụ trì Tổ Đình Hưng Khánh và  tham gia giảng dạy môn Hán Văn ở trường Trung Cấp Phật Học Nguyên Thiều. Vốn được trang bị đầy đủ kiến thức và đạo hạnh, Thượng Tọa chăm lo Phật sự tại Tổ Đình Hưng Khánh thật khoa học và nghiêm tịnh. Trước tiên, Thượng Tọa lưu tâm việc tiếp tăng độ chúng, khai mở đạo tràng huân tu Đại Bi, Tịnh Độ, sau đó Thượng Tọa bắt tay vào việc trùng tu Tổ Đình. Đệ tử của Thượng Tọa có ba vị là: Đại Đức Thích Hữu Hiến, Đại Đức Thích Hữu Minh và Đại Đức Thích Hữu Đạt. Tuy điều kiện vật chất rất giới hạn, nhưng Thượng Tọa hết lòng xây dựng và trùng tu chốn Tổ. Phật sự của Thượng Tọa đã hoàn thành gồm: Nhà Tổ trang nghiêm, hai nhà Đông Tây và nhà Bếp  hài hòa và tiện nghi.
            Năm 2012, Phật sự trùng tu còn phần Chánh Điện nữa, nhưng không may Thượng Tọa gặp nạn đành phải vĩnh viễn chia tay chư tôn đức trong bổn tỉnh, chia tay ba vị đệ tử còn nhỏ của mình và tất cả các thiện tín để về với Phật, để lại niềm tiếc thương vô vàn. Thượng Tọa viên tịch ngày 25 tháng 4 nhuần năm Nhâm Thìn (2012) - Giỗ Kỵ ngày  25 tháng 4 âm lịch hằng năm.

            Đại Đức Thích Hữu Hiến sinh năm 1988, thọ đại giới năm 2011 tại Đại Giới Đàn Liễu Quán tỉnh Phú Yên, được chư Tôn Đức trong môn phái công cử trách nhiệm trụ trì Tổ Đình Hưng Khánh, đặc biệt được hai huynh đệ Hữu Minh và Hữu Đạt hợp tâm, hợp lực bên nhau chung lo Phật sự Tổ Đình.
            Nhờ Hồng Ân Tam Bảo gia hộ, nhờ phước đức tu tập chư Tổ để lại, Phật sự hoằng dương Chánh Pháp, quảng độ chúng sanh tại Tổ Đình Hưng Khánh vẫn đang vận hành an lạc. Đôi khi, dù có khó khăn trở ngại và vất vả gian nan, nhưng với những vị trụ trì Tổ Đình, với chư Tăng của Bổn Tự luôn vẫn xem đó là cơ hội thử thách tâm nguyện phụng sự chúng sanh, cúng dường Tam Bảo của mình, không một lần nản tâm, nhụt chí. Vẫn còn đó con đường trước mặt dài xa và vẫn còn đó năng lượng dấn thân Phật sự dồi dào trong mọi trái tim nồng cháy của con cháu Tổ, chắc chắn chốn trang nghiêm kia sẽ đón những cỗ xe Phật sự đến nơi bình an, vô sự.
            Nguyện cầu Tam Bảo chứng minh, Chư Tổ linh thiêng gia hộ cho Phật sự của chư Tăng và Phật tử Tổ Đình Hưng Khánh ngày càng thắm tươi rạng rỡ.
            Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát
Ngày Vía Bồ Tát Quan Thế Âm - 19.06 âm lịch năm Canh Tý 08.08.2020
Sa môn Thích Đồng Văn - Chùa Phổ Bảo - Liên Bang Đức soạn.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền
 Tags: chua hung khanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Phật Giáo Huyện Tuy Phước
Thống kê
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay105
  • Tháng hiện tại7,333
  • Tổng lượt truy cập95,996
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây